Giới thiệu sách Biên khảo về Puskin của nhà văn Tôn Phi đã phát hành trên Amazon

Ảnh bìa sách Biên khảo về Puskin của nhà văn Tôn Phi đã phát hành trên Amazon

Puskin-mặt trời của thi ca Nga.

Xuất thân là quý tộc, nhưng giống như bất cứ một thiên tài nào, Puskin đứng hẳn về phía nhân dân. Hãy nghe thơ của ông lúc 18 tuổi:

Tôi muốn ngợi ca tự do cho trần thế

Tôi muốn đạp vào những tật xấu gian tham,

Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng.

Cuộc đời của thi hào Alêcxanđrơ Xecgâyêvit Puskin thật ngắn ngủi, có 38 năm (1799-1837). Trong 38 năm đó, nước Nga chứng kiến biết bao sự biến lịch sử đầy kịch tính, đầy thống khổ, vinh quang và căm giận. Đó là một nước Nga của chế độ nông nô chuyên chế dưới thời Alêcxanđrơ I, lạc hậu so với châu Âu lúc đó, tiếp nối là thời Nicôlai I tàn bạo. Cùng những năm tháng đó, nhân dân Nga đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh của Napôlêông (Pháp), đánh cho chúng tan tác đến tận sào huyệt Paris (1812-1814); sau đó, nước Nga, lại buồn thảm trở về với chế độ nông nô; Buồn thảm và căm giận đã giương cánh buồm cho nước Nga đi đến cuộc khởi nghĩa của những người tháng Chạp vào năm 1825. Đây là cuộc tiến công đầu tiên vào chế độ nông nô chuyên chế của Nga Hoàng do những người trí thức quý tộc tiến bộ lãnh đạo. Khởi nghĩa 1825 bị dìm trong máu, nhưng nó làm được mọt việc cực kỳ vĩ đại là đã thức tỉnh nhân dân Nga!

Puskin đã sống 38 năm ngắn ngủi nhưng đầy biến động của nước Nga, những năm tháng đầu thế kỷ 19. Tuổi trẻ của Puskin đã tắm mình trong dòng thác cách mạng và ở đỉnh cao của ngọn triều thời đại, nhà thơ là người phát ngôn cho cách mạng, chuẩn bị cho tiếng súng của khởi nghĩa 1825.

Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường quý tộc, Puskin đã nhận ra bộ mặt tàn bạo của Nga Hoàng. Với bài thơ đầu tiên “Gửi bạn thơ” đăng trên tờ báo “Người truyền tin châu Âu”, lúc nhà thơ vừa tròn 15 tuổi, Puskin đã là một tiếng thơ được cả văn đàn Nga chú ý. Một năm sau đó, với bài thơ “Kỷ niệm hoàng hôn”, đọc trước ban giám khảo kỳ thi lên lớp, Puskin đã bước lên hàng thi bá của văn đàn nước Nga thời đó. Đây là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử văn học thế giới. Đecgiavin, nhà thơ vĩ đại của nước Nga thế kỷ 18, lúc đó đã 72 tuổi, tuyên bố: “Thời của tôi đã qua rồi…chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện một Đecgiavin thứ hai, đó là Puskin…ngay bây giờ cậu ta đã vượt tất cả các nhà thơ.”

Tốt nghiệp trường học quý tộc năm 1817, Puskin được bổ nhiệm làm việc ở Bộ Ngoại giao, nhưng con người nghệ sĩ “kẻ thù của nô dịch” và là “người bạn của tự do” này, đã đối lập hoàn toàn với chính quyền chuyên chế của Nga Hoàng. Vì thế Puskin đã bị lưu đầy đi phương nam (từ 1820 đến 1824) và sau đó lại là những năm lưu đầy ở phương bắc, kéo dài suốt 6 năm…

Học vấn của một nhà quý tộc với vốn sống cực kỳ phong phú của những năm lang thang khắp nước Nga rộng lớn, hòa mình với cuộc sống của nhân dân đã tạo cho Puskin một bản lãnh sáng tạo nghệ thuật mà không một nghệ sĩ Nga nào ở thời đó có được. Thơ trào ra từ trái tim đầy ắp những yêu thương, căm giận của thiên tài Puskin. Lần đầu tiên trong văn học Nga có một “nhà thơ của thực tại:. Không còn có sự phân biệt cái “cao quý” và cái “thấp hèn” trong thơ Puskin.

Thơ viết trên ghế nhà trường, viết thời chiến tranh vệ quốc, lúc lưu đầy, thời chuẩn bị khởi nghĩa, những năm cách mạng thoái trào, từ thời Alêcxanđrơ I đến thời Nicôlai I bạo tàn…Puskin đã để lại, đã cống hiến cho nhân dân Nga ngay từ thời đó một rừng thơ ca đồ sộ, ông đã dẫn đầu chủ nghĩa lãng mạn Nga, dẫn đầu chủ nghĩa hiện thực Nga.

Ngoài thơ trữ tình, Puskin là tác giả của những bản trường ca bất hủ: Ruxlan và Liutmila (1820), Người tù Capca (1821), Anh em kẻ cướp (1821-1822), Lệ đài Bkhơsixarai (1822-1823), Đoàn người Tsưgan (1824), Pôntara (1828), Kỵ sĩ đồng (1833) v.v…Puskin còn để lại một kho tàng truyện cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, bi kịch, bút ký, chính luận v.v…Thời đó, người Nga đã ngây ngất trước những kiệt tác thơ và văn xuôi của Puskin. Không một nghệ sĩ nào trong lịch sử nhân loại, trong một thời gian ngắn (hơn 20 năm) như thế, lại có được một khối lượng sáng tác đồ sộ đến như vậy. Ở tất cả các thể loại, Puskin đều đạt đến đỉnh cao, có cống hiến xuất sắc và đặt nền móng cho văn học Nga tiến tới trở thành một nền văn học kỳ diệu của nhân loại ở thế kỷ 19, với những tên tuổi lẫy lừng như Lécmantốp, Gôgôn, L.Tônxtôi, Gorki…

Chỉ lấy riêng một thể loại truyện ngắn làm ví dụ, đến bây giờ, tức 200 năm sau, chúng ta đọc những truyện “Người chủ hiêu quan tài”, “Người trưởng trạm”, “Tiểu thư nông dân”, “Con đầm pích”, “Phát sung”, “Bão tuyết” v.v…vẫn thấy từ cách chọn đề tài kết cấu, nội dung, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện v.v…đều vô cùng mới mẻ, hiện đại. Nhà nghiên cứu văn học và biên dịch Việt Nam Đỗ Hồng Chung đã viết: “…Truyện Puskin đã đọc là đọc liền một mạch, càng đọc càng bị lôi cuốn, hấp dẫn. Puskin có lối viết cô đọng, chọn lọc kỹ chi tiết, lấy ngắn gọn và chính xác làm tiêu chuẩn cho văn xuôi.” (A.X. Puskin, truyện ngắn, nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội 1987).

Có thể nói, tất cả những gì được xem là nghệ thuật của văn chương đã được Puskin hoàn thiện đến mức “không thể so sánh được” như lời Tvarđôpski: “Mỗi chúng ta có một Puskin của mình, và chỉ có một Puskin với tất cả mà thôi.”.

Lịch sử Nga, cuộc sống Nga, tình yêu Nga, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, khát vọng Nga, ngôn ngữ Nga…đã ùa vào tác phẩm của Puskin. Trong thơ Puskin, “có hoa hồng, có họa mi, có lá thư tình bị đốt cháy, lại có túp lều, đống rạ, tấm lưới dân chài, thơm hương hồng lại thơm hương lúa; đọng lại cái gì rất Nga với những hàng sồi, cỗ xe tam mã, một điệu dân ca….”

(Đỗ Hồng Chung).

Chúng ta hãy đọc lại tiểu thuyết lịch sử “Người con gái viên đại úy” mà xem, cái nhân vật lão bộc Xavêlích trung thành, ranh ma, tằn tiện, ngang bướng và vô cùng đáng yêu ấy…trong truyện có khác gì người “giúp việc” của Puskin đã theo ông suốt những năm nhà quý tộc bị lưu đày cho đến lúc đưa nhà thơ về lòng đất (!). Puskin là nước Nga vì thế, và còn vì ông đã “ca ngợi tự do” trong “thế kỷ bạo tàn” của thời đại Nicôlai I độc ác! Nhà thơ tuyên bố dứt khoát:

Và nhân dân sẽ còn yêu tôi mãi

Vì bằng đàn thơ, tôi đã thức tỉnh những tình cảm tốt lành.

(Đài kỷ niệm 1836)

Chúng ta tưởng niệm Puskin trong lúc thế giới này đang có những kẻ “muốn đem dùi cui ra đứng ở ngã ba lịch sử để chỉ đường cho các quốc gia dân tộc” gây nên cảnh bạo tàn và xâm phạm tự do của dân tộc khác, thật có nhiều ý nghĩa. Puskin dường như vẫn sống bên ta.

Tạp chí phát thanh. 3.1999.

Giá sách: PDF: 250 000 VNĐ. Sách in: 450 000 VNĐ.

Số tài khoản nhận tiền đặt sách: 142720499- Ngân hàng ACB- Chủ tài khoản: Tôn Phi.

Trân trọng cám ơn các bạn.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s