Nhà triết học Nguyễn Huy Canh: Vài suy nghĩ về trí tuệ triết học

                                      

                                                                             NGUYỄN HUY CANH

  1. Đặt vấn  đề.

Gần đây có một số ý kiến bàn về trí tuệ triết học. Đây là một chủ đề rộng, nó được khai thác ở nhiều nội dung, nhiều mặt, với nhiều góc nhìn khác nhau . 

  Tuy nhiên những ý kiến đó chưa trả lời cho được rõ ràng câu hỏi: thế nào là trí tuệ triết học, và qua đó nó cũng chưa Soi Rọi được vào thực tiễn học thuật của chúng ta hiện nay.

       Nói đến trí tuệ triết học không thể không nói đến trí tuệ con người hiện ra trong các hoạt động của nó. Tôi hiểu đó chính là khả năng, năng lực xử lí, trả lời trước một hoàn cảnh không thỏa mãn nhu cầu của con người. Con người đã bằng hành động thực tiễn có lí luận của mình quyết định biến cải cái hoàn cảnh ấy. Đó là lúc ta thấy trí tuệ con người xuất hiện. Trí tuệ triết học cũng được xuất hiện và mở ra theo cách như thế. Và đây được xem như là sự cố gắng nhằm làm sáng tỏ vấn đề đó.

         2. Vài nét về ý niệm trí tuệ triết học

      Trí tuệ triết học bao giờ cũng gắn liền và thể hiện trong những sản phẩm mà nó tạo ra. Đó là những tư tưởng của một hệ thống triết học với tư cách là một hình thái ý thức xã hội

      Và do đó để nắm bắt được rõ hơn cái phẩm chất của trí tuệ trong mỗi tư tưởng triết học, chúng ta cũng cần biết thêm triết học trong mối quan hệ với những hình thái ý thức xã hội khác. Mà ở đây tôi muốn giới hạn ở khoa học và triết lí

      Ta đã biết khoa học bao giờ cũng là tư duy về đối tượng với tư cách là một bộ phận của thế giới, của Tồn Tại xét như một tổng thể. Để “nhấc” một bộ phận (hay còn gọi là trừu tượng nó) ra khỏi thế giới, để tư duy về nó, thì cái thế giới ấy trước hết phải được mở ra, hiện ra như là thế: là dòng nước, là ngựa, là người…

      Tùy theo mỗi một khoa học mà có một đối tượng riêng được nhấc ra, được khu biệt ra như thế để nghiên cứu. Chẳng hạn, con người được y học xem xét ở góc độ bệnh tật, sức khỏe và môi trường sống của nó trong lành hay ô nhiễm. Còn vật lí học sẽ cho ta câu trả lời chính xác nguyên nhân của hiện tượng mưa: đó là sự bốc hơi và ngưng tụ của nước; sấm sét là do sự phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hoặc giữa các đám mây mang điện tích trái dấu; hóa học thì xem xét về cấu tạo và tương tác giữa các chất, các nguyên tố trong những điều kiện xác định.

      Trong khi đó tư duy triết học, về cơ bản đòi hỏi phải nhìn nhận thế giới trong tính tổng thể, toàn tính của nó nhằm giải thích gốc rễ, quá trình hình thành, vận động và phát triển của thế giới cùng với vị trí và đời sống của con người trong thế giới ấy. Tuy nhiên cần hiểu rằng, thể giới, Tồn Tại được xét trong tính tổng thể toàn vẹn ấy, tri thức triết học không phải có được bằng sự tổng hợp của các tri thức kinh nghiệm, cũng như các tri thức của tất cả các khoa học cộng lại. Ta có thể làm sáng tỏ điều này từ một vài ví dụ sau. Chẳng hạn như, triết học cổ đại Trung Quốc xem Thái cực là nguồn gốc đầu tiên và cuối cùng của vạn vật: Học thuyết ấy nói rằng, Thái cực sinh lưỡng nghi (âm dương), và từ âm dương sinh ngũ hành (kim-mộc-thủy-thổ-hỏa. trong đó thổ là yếu tố trung cung; và 5 hành liên hệ với nhau theo cách sinh, khắc) được hiểu như những trạng thái, yếu tố cơ bản của vạn vật. Với Platon đó là Ý niệm, là thế giới Ý niệm, và vạn vật chỉ là cái bóng của nó được hiện ra như cái bóng của ta trên vách đá của hang khi được ánh sáng của đống lửa chiếu vào. Và ông gọi đó là bản sao của bản sao (1). Còn với Schopenhauer thì hiểu rằng, Thế giới chính là biểu tượng của tôi; là cái được đem lại thông qua ý thức của tôi (2). Còn với E.Husserl, cái thế giới hiện thực khách quan có tồn tại đấy, nhưng ta không biết gì về nó, không có quan hệ gì với nó. Nó chỉ là cái cớ để trên đó dòng ý thức siêu nghiệm tuôn chảy: cái thế giới được hiện ra, được hình thành như một chỉnh thể thực tồn trong kinh nghiệm của mỗi chúng ta (3).

        Khi đó với triết học Mác- lênin, thế giới là những sự vật mang bản chất vật chất. Cái vật chất này, theo Lenin, là một phạm trù quá rộng, ta không thể định nghĩa nó giống như khi định nghĩa con lừa là một động vật. Và vì vậy, nó chỉ được nhận thức như một phạm trù của lí luận nhận thức: đó là thực tại khách quan, tồn tại độc lập, bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức phản ánh nó. (tính khác biệt tuyệt đối giữa vật chất và ý thức này được Lênin xem là có giới hạn trong lí luận về nhận thức). Trên đây chỉ là một số ví dụ để mô tả cái đặc điểm đặc thù của triết học và tư duy triết học. Nếu khoa học, đối tượng của nó gắn vào cái cụ thể, bộ phận của Tồn tại, thì triết học phải làm rõ cái gì làm cho Tồn Tại hiện ra như là tồn tại. Có thể công việc đặc thù này đã làm cho rất nhiều nhà triết học trong lịch sử loay hoay khó thoát ra được chủ nghĩa duy tâm về tồn tại trong nhiều hình thức khác nhau.

        Trí tuệ triết học được nhìn thấy ở những học thuyết, hệ thống lí luận triết học, thì như thế nào là trí tuệ triết lí?

        Có người quan niệm rằng, triết lí là một hệ thống tư tưởng của con người nhằm nghiên cứu đời sống và vũ trụ mà con người sống trong đó (4).    Không, triết lí không bao giờ là một hệ thống những quan điểm cả. Nó chỉ là những nhận xét, hiểu biết, những quan niệm lẻ tẻ, rời rạc, và được hình thành chủ yếu từ kinh nghiệm sống trải của con người, của nhân dân trong lao động sản xuất, trong đấu tranh với ngoại xâm và thiên nhiên sau hàng trăm năm đúc kết có được, và có khi nó còn được sử dụng hàng nghìn năm khi mà cách thức sản xuất, và tinh thần thời đại chưa có những biến chuyển lớn lao. Đó là những quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, về những ứng xử của con người với người, với cộng đồng xã hội và tự nhên. Chúng ta có thể tìm thấy những triết lí ấy trong kinh nghiệm thể hiện ở ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Chẳng hạn “mẹ tròn con vuông” vừa để chỉ sự sinh nở tốt đẹp của bà mẹ, vừa nói lên cái quan niệm trời thì cong tròn, trái đất thì vuông phẳng, và sự sinh nở được hình thành từ sự hòa hợp giữa chúng, trong tâm trí người xưa; “giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng”, hay “không thầy đố mày làm nên” “gừng càng già càng cay”, “có công mài sắt có ngày nên kim”, “bán chị em xa mua láng giềng gần”…chúng ta đều nhìn thấy triết lí nhân sinh rất sâu sắc của ông cha ta ở trong đó.

     Qua những lí giải ở trên ta thấy, dù triết lí có sâu sắc thế nào thì nó cũng chỉ dừng lại ở những kinh nghiệm sống trải của con người, của nhân dân qua một thời gian dài đúc kết mà có được. Đó chỉ là tri thức ở cấp độ kinh nghiệm, rời rạc, ngẫu nhiên, lẻ tẻ. Cái trí tuệ triết lí ấy chưa bao giờ đạt tới được trí tuệ triết học. Phải chăng, đó cũng là giới hạn của ông cha ta chưa một lần đau đáu trong cuộc tra vấn về con người, về Tồn Tại?

       Trên đây phần nào chúng ta đã mường tượng ra cái trí tuệ triết học xuất hiện trong những lí thuyết, học thuyết triết học. Đó tôi gọi là sự sâu sắc và cao cả của trí tuệ nhân loại. Tuy nhiên sẽ là không đầy đủ khi trí tuệ triết học không mang vào trong mình nó tính chất phê phán, bác bỏ

       Chúng ta hiểu rằng sự vật, con người và tri thức của nó luôn biến đổi không ngừng, và vì nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc của đời sống con người trước mỗi những đổi thay có tính chất thời đại, thì triết học phải là người phán xử những giá trị, những quan niệm hủ lậu của xã hội đương thời. Tuyên bố và xác lập những giá trị mới mang ý nghĩa dẫn đường cho thời đại ấy. Nổi rõ nhất như một ví dụ, là bước chuyển từ thời đại phong kiến với thế giới quan tôn giáo ở thế kỉ 18 của châu Âu lục địa sang thời đại công nghiệp với tầng lớp doanh nhân, các nhà công nghiệp, các chủ bank đã làm nảy sinh nhu cầu về một thế giới quan mới, một nền triết học mới. Đó phải được xem là những thời điểm mà trí tuệ triết học cần phải xuất hiện. Triết học phải trở thành ngọn cờ trong cuộc đấu tranh xóa bỏ xiềng xích của chủ nghĩa phong kiến và thế giới quan tôn giáo luôn dạy con người vâng phục, quì lạy trước bề trên (đó là giai tầng quan lại quyền thế, quí tộc và tăng nữ), nhằm xác lập một trật tự thế giới mới. Tình thế lịch sử ấy ở châu Âu thế kỉ 18 đã làm nảy sinh chủ nghĩa duy lí, và đặc biệt chủ nghĩa thực chứng. Triết học ấy là sự tấn công mạnh mẽ vào thế giới quan tôn giáo, và siêu hình học nói chung đã trở thành xơ cứng, nghèo nàn, không có giá trị. Với chủ nghĩa duy lí, lí tính trở thành cơ sở duy nhất của nhận thức, tri thức, của con đường tìm kiếm sự thật, chân lí. Còn với các nhà thực chứng mọi tri thức phải được đánh giá từ kinh nghiệm, thí nghiệm, thực nghiệm và quan sát. Cái tri thức nào không được xem xét từ quan sát, thực nghiệm cần phải được bác bỏ. Và từ đây một quan niệm mạnh mẽ rằng, khoa học chính là triết học đã hình thành (dĩ nhiên tôi không thừa nhận tư tưởng này, và với tôi siêu hình học vẫn là linh hồn của triết học)

        Chủ nghĩ duy lí và thực chứng đã góp phần thúc đẩy lịch sử châu Âu thế kỉ 18 phát triển mạnh mẽ từ kinh tế đến chính trị, cách thức tổ chức xã hội, và nhà nước, các quyền con người, cho đến lịch sử triết học sau này.

        Tôi hiểu rằng, không có sự bác bỏ, sự thay thế bằng một hệ qui chiếu mới để phù hợp với một xã hội, một thế giới mục ruỗng đã thay đổi để thúc đẩy cho sự phát triển của lịch sử, thì tôi khẳng định rằng lịch sử ở đó không có trí tuệ triết học

         Chúng ta đã nhìn thấy trong hàng nghìn năm khi tiếp nhận, truyền bá nền triết học của Trung quốc và Phật giáo vào Việt Nam, hầu như chỉ thấy có sự giải thích làm rõ thêm, tiếp nối và ca tụng những tư tưởng của người xưa được xem như là lời của thánh hiền. Học thuyết tam cương ngũ thường, thiên nhân tương cảm, thái cực đồ thuyết, âm dương ngũ hành cho đến tứ diệu đế, vô thường của nhà Phật chỉ được ông cha ta rao giảng và tụng niệm như những chân lí vi diệu từ năm này qua năm khác. Trong khi đó chúng ta biết rằng, với thế giới quan phật giáo, ý thức sinh ra vạn vật chỉ là giả (và vạn vật không có tự tính, cũng là giả) (5), là do ác tâm, giả tâm, tham sân si mà ra là một sai lầm ko thể chấp nhận được. Còn triết học cổ đại Trung quốc từ Đạo của Lão đến Nho giáo chỉ chú ý đến con người, đến vạn vật như là cái bên ngoài ý thức. Ý thức, cùng với quá trình nhận thức, vị trí và vai trò của nó trong việc cải biến và tái sản xuất ra đời sống, cùng với nó là tái sản xuất ra thế giới bởi con người, chưa một lần được xét đến, và do đó, các học thuyết đó cũng chưa một lần được ông cha ta đem ra mổ xẻ, phê phán và bác bỏ, ngay cả khi lịch sử nước nhà đã có những chuyển biến dữ dội bằng việc người Pháp đã đem kĩ thuật, súng đạn, tàu chiến đến với chúng ta bằng con đường cướp bóc, xâm lăng từ thế kỉ 19. Với gần một nghìn năm như thế (quãng thời gian này được tính từ khi Ngô Vương xác lập nền tự chủ, độc lập cho nước nhà đến đầu thế kỉ 20) của lịch sử tư tưởng nước nhà, thử hỏi làm sao chúng ta có được trí tuệ triết học?

       3. Về một số vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng  

     Và bây giờ, chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà cách mạng ở nửa đầu thế kỉ XX đã mang học thuyết Mác- Lenin truyền bá vào nước ta. Qủa thực, chúng ta đã đón nhận nó như một thứ ánh sáng chói lòa. Vì học thuyết này đã giúp cách mạng nước ta đánh đuổi thực dân, đế quốc thành công, mang lại nền tự do, độc lập và chủ quyền cho nước nhà.

            Nhưng vạn vật luôn thay đổi. Con đường xây dựng và phát triển kinh tế xã hội trong thời bình (xét từ sau năm 1975) theo tư tưởng xóa bỏ triệt để sở hữu tư nhân về TLSX, công hữu hóa tuyệt đổi nó dưới 2 hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể của học thuyết ấy đã gặp nhiều thất bại. Cuối cùng chúng ta phải phá rào, đổi mới ở những năm 86 của thế kỉ trước, và chúng ta đã thành công. Điều đó đã đem lại cho các nhà lí luận phải đặt lại vấn đề về chuyên chính vô sản, về giá trị thặng dư, và khái niệm bóc lột giá trị thặng dư, về vai trò vị trí của thành phần kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, về địa vị và những đóng góp của các doanh nghiệp, về kinh tế thị trường trong nền kinh tế- xã hội của đất nước.

          Tôi hiểu rằng đó chỉ là lĩnh vực hình nhi hạ của học thuyết đó. Những vấn đề của siêu hình học, của triết học được xem là hạt nhân của nó dường như vẫn chưa có một thay đổi lớn nào trong suốt mấy chục năm qua để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống đã và đang thay đổi từ sau thời kì đổi mới đến nay.

          Đó là tự do, là quyền con người trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, ngôn luận, cũng như những hoạt động chính trị xã hội khác đã được đảng và nhà nước quan tâm, khai mở (nếu ta so với thời gian trước đổi mới). Nhưng sự quan tâm ấy mới chỉ đến từ các nhà hoạt động chính trị được thúc đẩy bởi dư âm của chủ nghĩa duy lí, và vì thế nó còn nhiều vướng mắc và hạn chế. Đặc biệt quyền lực của nhà nước, của đảng, của những cá nhân lãnh đạo ở vị trí cao trong hệ thống quyền lực vẫn chưa được kiểm soát đầy đủ (có thể đây là lí do trong công cuộc đốt lò, tổng bí thư đã phải yêu cầu thiết kế cho được cái lồng nhốt quyền lực). Điều đó đã dẫn đến sự tha hóa, biến chất của nhiều quan chức trong bộ máy quản trị quốc gia từ cấp cao đến địa phương. Trước đảng, trước nhân dân, họ rao giảng rất hay về lòng trung thành, về sự tận tụy, về đức hi sinh. Nhưng đằng sau những lời hoa mỹ giả dối đó lại là những hành động nhũng nhiễu, áp bức nhân dân, tham nhũng, cướp đoạt đất đai, tiền bạc của nhà nước để làm giàu cho riêng mình với một cuộc sống xa hoa, và có mức trụy lạc. 

              Cùng với những thay đổi đó là những phát hiện ngày càng nhiều những sự kiện ở lĩnh vực tâm linh cũng như những phát hiện của vật lí lượng tử về ý thức trong quá trình quan sát, nhận thức chủ quan đối với sự vật. Như ý thức đã làm cong thìa, làm hoa tươi héo, hay tự di chuyển được bàn ghế, cũng như biến tính sóng của hạt thành các hạt khi quan sát ở các thí nghiệm (6).

          Tiếc rằng, một số người lại đem những phát hiện, những thành quả đó để cố gắng biện minh, bổ sung cho những thiếu xót của triết học ấy. Thành ra, chưa bao giờ chúng ta dám đặt ra những thay đổi cơ bản nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thời đại, và của lịch sử đất nước này. Việc làm ấy, một mặt chỉ biến khoa học thành bà vú đáng thương của triết học, và một mặt biến chúng ta, những triết gia thành giáo điều, tầm chương trích cú, giống như một bản sao của lịch sử tư tưởng gần nghìn năm đã qua mà thôi.

         Khi bàn về trí tuệ triết học, buộc chúng ta phải soi chiếu cái triết học đang phổ biến ở các cấp học, đang ngự trị trong tinh thần thời đại với những trải nghiệm của đời sống đầy trì trệ, xơ cứng, bất công và những oan khiên của người dân, để từ đó, như một nhu cầu gay gắt phải thay đổi, phải xây dựng cho được thế giới quan mới nhằm giải quyết những vấn đề đang đặt ra như tự do, nhân quyền, bản chất của thể chế chính trị từ góc độ triết học, đồng thời giải đáp những vấn đề mới của khoa học, của đời sống tâm linh đang đặt ra như một thách thức đối với chúng ta.

        Chúng ta biết rằng, khi nói về bản thể vật chất của vũ trụ, chủ nghĩa Duy Vật Biện Chứng (CNDVBC), vì những lí do như Lê nin đã nêu ra, nên mới chỉ xem xét nó dưới góc độ của lí luận nhận thức. Điều đó cũng phải khẳng định rằng:

          1, vật chất chưa được chúng ta, cũng như ngày nay, xem xét nó dưới góc độ phạm trù bản thể học.

            2, ngay trong giới hạn vẻn vẹn của lí luận nhận thức, CNDVBC đã hạn chế khi xem ý thức chỉ là hình ảnh chủ quan trong sự đối lập, sự phân chia Tuyệt đối với thực tại khách quan, mà không thấy ra được tính đồng nhất, tính vật chất của ý thức ngay trong giới hạn vẻn vẹn này. Với sự phân chia tuyết đối ấy, a, ta sẽ tự mâu thuẫn khi nói về sự đồng nhất giữa khái niệm với đối tượng trong thực tại khách quan diễn ra trong quá trình nhận thức. b, không có sự đồng nhất, thống nhất (trong sự khác biệt ) ấy thì không thể nào đặt chúng trong mối quan hệ so sánh trong, ngoài, trước sau với nhau được. Và c, ta cũng sẽ không lí giải được các hiện tượng mà ý thức chủ quan gây ra trong quá trình quan sát ở các thí nghiệm (như đã dẫn ở trên).

         3, Cơ sở nào để chúng ta khẳng định rằng vật chất đã làm cho nước hiện ra như là nước, con ngựa xuất hiện mình ra như là con ngựa? Tóm lại, Tồn tại hiện ra như là thế nhờ cái bản thể vật chất này từ cơ sở nào?

       Vì điều đó, CNDVBC đã không thể hiểu ra được con người trong quá trình lịch sử đã đi từ tồn tại đến bản chất, và đang sáng tạo ra bản chất của nó trong sự tồn tại đó, ngoài những mô tả có tính chất xã hội học về tính tự nhiên, và bản tính xã hội của nó được hình thành từ trong quá trình lao động, sản xuất ra đời sống vật chất của mình, cùng với điều đó là đời sống văn hóa tinh thần (7).

      Tất cả những nội dung đó đã được đặt ra và được giải quyết phần nào bởi nhiều nhà nghiên cứu. Nó đã trở thành cơ sở trên đó hình thành lí thuyết về Hữu thể và Tự do. Lí thuyết ấy đã cho phép chỉ ra sự thống nhất (đồng nhất) và khác biệt giữa vật chất và ý thức; đồng thời mối quan hệ cơ bản này cũng làm hình thành lí thuyết về Tồn tại. Trong lí thuyết ấy, lần đầu tiên đã chỉ ra được ý thức vừa là tồn tại, là hình thức tồn-tại- khác của vật chất; và vừa là cái không-tự-tồn tại. Và vì thế, khi xem xét ý thức phải luôn đặt nó trong mối quan hệ với vật chất với tính cách là bản chất của đời sống và hiện thực. Và chỉ trong sự xem xét ấy, quá trình lịch sử hiện ra cho ta thấy con người đã đi từ tồn tại đến bản chất. Không phải ngay từ đầu, y đã là tồn tại trong tính bản chất, có bản chất. Điều đó tôi xem là một bí mật thực sự của lịch sử.

         Tài liệu tham khảo

  1. Xem trong lịch sử triết học. Tập 1. Nhà xb trí thức. xb năm 2020 trang 124, và 125
  2. Xem đại cương lịch sử triết học. nxb tổng hợp tp HCM. Năm 2008 Trang 15
  3. Xem sdd, trang 140. Đại cương lịch sử triết học
  4. Xem trong ngoaingucongdong.com. Bài: Triết lí là gì? Một số triết lí trong giáo dục. tác giả Ngọc Lê.
  5.  Xem trong phatgiao.org.vn.  bài : Triết lí “tính không” trong triết học phật giáo. Tác giả Nguyễn Tiến Nghị. Tạp chí nghiên cứu Phật học số 6/2015.
  6. Xem trong chungta.com. bài: siêu hình trong vật lí và tinh thần trong vật chất của Hà Yên. Và bài: Nguyên lí bất định Heisenberg và cái nhìn phật pháp của tác giả Truyền Bình, mục tóm tắt ý nghĩa triết học của nguyên lí bất định trong phatgiao.org.vn
  7. Giáo trình triết học Mác-lenin. Nxb chính trị quốc gia. Năm 2002. Trg 467-469.
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s